Chi tiết: Quỹ Bình Ổn Giá - "Heo Đất" Khổng Lồ Của Ngành Xăng Dầu
2024-10-11
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao khi giá xăng dầu thế giới tăng vọt, giá xăng dầu trong nước lại chỉ nhích lên một chút không? hay ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu mà giá xăng dầu trong nước giảm không đáng kể. Bí mật nằm ở một con "heo đất" đặc biệt mà người ta gọi là Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Quỹ này giống như một con heo đất khổng lồ của cả nước. Khi giá xăng dầu thấp, chúng ta bỏ thêm một ít tiền vào "heo". Đến lúc giá tăng cao, ta lấy tiền từ heo ra để giữ cho giá xăng dầu không tăng quá đột ngột. Quỹ được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu quản lý, nhưng được điều hành bởi Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính. Họ quy định mức trích lập và sử dụng quỹ, đảm bảo giá cả ổn định cho chúng ta, dù giá xăng dầu thế giới có "nhảy múa" ra sao.
Tại sao lại cần quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, giá xăng tăng vọt 5.000 đồng/lít. Bác xe ôm sẽ phải tăng giá cước, hàng hóa trong chợ cũng đắt lên... Cả xã hội sẽ náo loạn mất! Quỹ bình ổn giúp "làm mềm" những cú sốc giá như vậy, giữ cho cuộc sống của chúng ta ổn định hơn. Đây cũng chính là lý do mà Nhà nước lập ra Quỹ từ rất lâu, từ năm 2009.
Quỹ này hoạt động như thế nào?
Giả sử hôm nay giá xăng thế giới đang thấp, mỗi lít xăng chúng ta mua sẽ có khoảng 500 đồng được bỏ vào quỹ. Ví dụ, thay vì trả 22.000 đồng/lít, ta trả 22.500 đồng. 500 đồng đó đi đâu? Vào con heo đất khổng lồ kia chứ đâu! Mức tiền trích lập này không cố định mà có thể thay đổi tùy vào tình hình kinh tế và quyết định của Nhà nước.
Rồi đến một ngày, giá dầu thế giới tăng vọt. Đáng lẽ giá xăng phải tăng lên 25.000 đồng/lít, nhưng nhờ có tiền trong quỹ, chúng ta chỉ phải trả 23.500 đồng/lít. 1.500 đồng còn lại được lấy từ quỹ ra để bù đắp. Nhà nước đảm bảo điều này thông qua các quyết định điều hành giá và sự quản lý minh bạch của các doanh nghiệp đầu mối.
Mặt trái
Mọi thứ đều có hai mặt. Quỹ bình ổn cũng vậy. Đôi khi, nó tạo ra những tình huống "dở khóc dở cười". Ví dụ, khi giá xăng tăng, ta phải rút tiền từ quỹ để giữ giá. Nhưng cùng lúc đó, giá dầu diesel giảm, nên người dùng diesel phải đóng thêm tiền vào quỹ. Thế là người đi xe xăng được hưởng lợi, còn người dùng xe máy dầu như tôi lại phải "gánh" thay. Có vẻ không công bằng lắm, đúng không?
Còn nữa, giá dầu thế giới có thể tăng đột ngột, nhưng nhờ quỹ, giá xăng ở ta vẫn đứng im một thời gian. Điều này giống như một "bước đệm", làm chậm quá trình tăng giá. Thoạt nghe có vẻ hay, nhưng nhiều chủ cây xăng có thể lợi dụng khoảng thời gian này để găm hàng, chờ giá tăng rồi mới bán. Thế là chúng ta lại thấy cảnh xếp hàng dài để đổ xăng, nhiều cây xăng "hết hàng". Vô tình, quỹ bình ổn lại tạo ra sự bất ổn.
Quỹ có minh bạch không?
Quỹ này giống như một cái hộp đen. Mặc dù Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải công khai báo cáo và chịu sự kiểm tra từ cơ quan quản lý, nhưng nhiều người vẫn lo ngại về tính minh bạch của Quỹ. Câu hỏi lớn là: tiền chúng ta đóng vào có được sử dụng đúng mục đích không? Những vụ việc như Công ty Xuyên Việt Oil chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ Quỹ đã làm dấy lên nhiều lo ngại về cách quản lý và sử dụng Quỹ này.
Nên giữ hay bỏ Quỹ?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Quỹ bình ổn giống như một loại thuốc giảm đau vậy: khi cơ thể đau nhức dữ dội (giá xăng dầu biến động mạnh), nó rất hữu ích, giúp ta vượt qua cơn đau. Nhưng nếu ta cứ uống thuốc giảm đau mãi, cơ thể có thể sẽ quen thuốc, không còn tác dụng khi thực sự cần. Thậm chí, nó còn có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Gần đây, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đã rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 7 ngày. Điều này giúp cho việc điều chỉnh giá diễn ra nhẹ nhàng hơn, ít gây sốc hơn. Khi đó, vai trò của Quỹ bình ổn cũng trở nên bớt quan trọng hơn.
Nhiều quốc gia trên thế giới không có Quỹ bình ổn và để giá xăng dầu tự do theo thị trường, dù sao cũng là tiền của người dân, thay vì mất công bỏ vào heo đất rồi lại đập ra, họ để người dân tự quản lý tiền của mình. Ở Việt Nam, các bộ, ban, ngành, hiệp hội vẫn còn đang “cãi nhau” về việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ này hay không, hoặc nếu duy trì thì thay đổi cách thức quản lý như thế nào.
Bạn nghĩ sao? giữ hay bỏ? nếu giữ thì nên thay đổi cách quản lý con "heo đất" này như thế nào?
Luật sư Hoàng Văn Thạch