logo
  • Ảnh slide 1

Chi tiết: Tại sao có quan niệm "xe to" phải bồi thường "xe nhỏ" khi xảy ra tai nạn

2020-11-07


Lâu nay, ở Việt Nam rất nhiều người có quan niệm, khi xảy ra tai nạn giao thông thì “xe to” phải bồi thường cho “xe nhỏ”, người đi xe phải bồi thường cho người đi bộ. Nguồn gốc của quan niệm này từ đâu mà ra.


Vụ tai nạn ở Đồng Nai và kháng nghị của Viện kiểm sát.

Năm 2017, một vụ tai nạn giao thông xảy ra ra trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện TN tỉnh Đồng Nai, A điều khiển xe gắn máy chuyển hướng sai quy định, dẫn đến va trạm với xe mô tô phân khối lớn do B điều khiển. Kết quả cả A và B đều nhập viện và hư hỏng xe, A bị thương nặng hơn B và thiệt hại cũng nhiều hơn B. Mặc dù Cảnh sát giao thông đã xác nguyên nhân chính gây ra tai nạn là do A chuyển hướng sai nên không khởi tố vụ án hình sự. Nhưng sau đó A vẫn khởi kiện tại tòa án để yêu cầu B phải bồi thường thiệt hại cho mình. Cho rằng lỗi chính là do A và bản thân B cũng bị thiệt hại nhưng lại bị A kiện đồi bồi thường nên B phản tố yêu cầu A phải bồi thường viện phí và chi phí sửa xe cho mình.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện TN bác yêu cầu khởi kiện đồi bồi thường của A và chấp nhận yêu cầu phản tố của B.

Tuy nhiên ngay sau đó, VKSND huyện TN cho rằng do xe mô tô của B là nguồn nguy hiểm cao độ, cho nên khi xảy ra thiệt hại thì yếu tố lỗi không phải là điều kiện tiên quyết làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong vụ án này xe mô tô của B là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho A, vụ tai nạn trên không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, do vậy theo quy định của pháp luật dân sự về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì B phải bồi thường cho A kể cả khi B không có lỗi. Vì vậy, VKSND huyện TN kháng nghị yêu cầu TAND tỉnh Đồng Nai sửa bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải bồi thường cho A.

Nguồn nguy hiểm cao độ là gì?

Pháp luật dân sự không có định nghĩa mà chỉ đưa ra liệt kê “nguồn nguy hiểm cao độ” bao gồmphương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Có thể hiểu nó là những vật chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, trong đó các phương tiện giao thông vận tải, phương tiện vận tải loại lớn (xe to) thì coi là nguồn nguy hiểm lớn hơn phương tiện vận tải loại nhỏ (xe nhỏ).  

Đối với thiệt hại do “nguồn nguy hiểm cao độ” gây ra, các Bộ luật dân sự từ 1995, 2005 và 2015 đều quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trừ khi bị hại cố ý gây ra tai nạn hoặc trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết bắt buộc phải gây ra tai nạn để tránh một thiệt hại khác lớn hơn thì chủ xe, lái xe mới được miễn trừ trách nhiệm, còn không thì phải bồi thường kể cả khi không có lỗi. Đây là các hiểu đúng nhưng chưa đủ. Tuy nhiên, không riêng gì VKSND huyện TN như trong vụ án trên mà không ít các cơ quan cố tụng, người tiến hành tố tụng khác cũng hiểu như vậy, vì vậy có xu hướng đưa ra phán quyết buộc “xe to” bồi thường cho “xe nhỏ”, người đi xe phải bồi thường cho người đi bộ. Cách hiểu đó dần lan tỏa trong cuộc sống và len lỏi vào suy nghĩ của nhiều người và trở thành một trong các nguyên nhân gây ra quan nhiệm: khi xảy ra tai nạn, xe to phải bồi thường xe nhỏ. 

Kết quả vụ án ở Đồng Nai.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đồng Nai giải thích rằng: quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi phải hiểu rằng thiệt hại đó có nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp là TỰ THÂN nguồn nguy hiểm cao độ đó gây ra; có thể con người cũng tác động đến nguồi nguy hiểm cao độ góp phần gây ra thiệt hại nhưng lỗi của con người chỉ là thứ yếu. Ví dụ: xe bị nổ lốp, bị hỏng phanh do các nguyên nhân khách quan gây ra tai nạn, mặc dù lái xe không có lỗi nhưng gây ra thiệt hại cho người khác thì vẫn phải bồi thường. Trong vụ án này, mô tô phân khối lớn của B không phải tự thân nó gây ra tai nạn, mà nguyên nhân là do A chuyển hướng sai quy định dẫn đến tai nạn. Vì vậy, phải căn cứ yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường của các bên, tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của A là đúng, kháng nghị của Viện kiểm sát huyện TN là không có căn cứ để chấp nhận.

Cần có hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Hiện nay, Bộ công an cũng đã xây dựng dự thảo Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thay cho Luật an toàn giao thông đường bộ 2008, tại điều 57 dự thảo quy định “Điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải làm rõ nguyên nhân do con người, do cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ gây ra làm căn cứ xác định trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn", nội dung quy định này mang tính hiển nhiên, nhưng dù sao được nhấn mạnh trong một văn bản pháp luật cũng ít nhiều có tác dụng thay đổi nhận thức “xe to” bồi thường “xe nhỏ”. Mặc dù vậy, liên quan đến bồi thường thiệt hại thì cái gốc vẫn là Bộ luật dân sự và các hướng dẫn liên quan.

Trong vụ án tại Đồng Nai, cách giải thích của Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đồng Nai là rất hợp lý, phù hợp với quan điểm của nhiều người nghiên cứu pháp luật. Tuy nhiên chỉ là cách giải thích luật dựa vào lẽ phải, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên không loại trừ nếu thành phần Hội đồng xét xử là thẩm phán khác thì cách giải thích có thể giống với quan điểm của VKSND huyện TN. Vì vây, để thống nhất cách hiểu, TAND Tối Cao, VKSND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn về vấn đề này dưới dạng một quy phạm pháp luật hoặc một án lệ. 

Chuyên viên Lê Trần Vân Anh
 

 
Nếu bạn đang cần một luật sư để tư vấn, giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ hãy liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây!
 
 Liên hệ: Công ty luật Hà Dương – ĐT: 024.629.116099, Mobile: 0982570397 - Email: haduonglaw@gmail.com - Địa chỉ: Phòng 16 a tầng 16, tháp a, tòa nhà Bigtower, số 18 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội (MST:  0107908348 - STK: 26810000196593 mở tại BIDV chi nhánh Thái Hà)



Dịch vụ nổi bật