Chi tiết: Câu chuyện pháp lý: có phải mưa to gió lớn thì thành bão?
2020-10-23
Nhân chuyện bão lụt đang xảy ra ở miền trung, kể một câu chuyện pháp lý thú vị liên quan đến mưa, gió và bão rất hay như thế này.
Công ty bảo hiểm ký với khách hàng một hợp đồng về bảo hiểm tài sản là nguyên liệu sản xuất, đặc thù loại nguyên liệu này là nếu trong môi trường ẩm sẽ bị hỏng, kho hàng đặt ở một tỉnh miền trung rất dễ bị lũ lụt khi vào mùa mưa, vì vậy trong hợp đồng Công ty bảo hiểm đã cài điều khoản loại trừ thiệt hại gây ra do mưa, gió. Như vậy là quá chắc ăn rồi.
Một thời gian sau, một cơn bão rất lớn tràn vào miền trung làm sập và tốc mái nhà kho, lô hàng bị nhiễm nước, hư hỏng toàn bộ, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Khách hàng đã yêu cầu Công ty bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho thiệt hại này. Tuy nhiên Công ty bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu này vì trong hợp đồng đã có điều khoản loại trừ thiệt hại do “mưa” và “gió” mà theo từ điển tiếng Việt thì “bão” là hình thái cực trị của “mưa" và "gió” nên cũng bị loại trừ. Ngược lại khách hàng cho rằng hợp đồng chỉ loại trừ thiệt hại do “mưa", "gió” chứ không loại trừ thiệt hại do “bão” gây ra, và “mưa, gió” thông thường thì khác với “bão”.
Không thống nhất được quan điểm, các bên đưa nhau ra tranh chấp tại trọng tài, trọng tài xử Công ty bảo hiểm thắng. Không chấp nhận, khách hàng yêu cầu tòa án tòa án hủy phán quyết phán quyết của trọng tài và được chấp nhận, các bên lại quay về giải quyết tranh chấp từ đầu tại tại tòa án.
Quá trình giải quyết, hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều không chấp nhận giải thích của Công ty bảo hiểm nếu chỉ dựa trên từ điển tiếng Việt. Thay vào đó, tòa án xin ý kiến tham khảo từ Trung tâm khí tượng thủy văn, cơ quan này trả lời rằng “bão” thì sẽ đi kèm mưa to và gió lớn, nhưng “bão” không phải là hình thái cực trị của “mưa” và “gió” (ý là không phải cứ mưa to, gió lớn thì thành bão).
Tòa án thấy rằng, nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm là giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm, vì vậy phải giải thích theo nghĩa hẹp nhất của ngôn từ. Điều khoản loại trừ thiệt hại do “mưa, gió” thì phải hiểu “mưa”, “gió” theo nghĩa hẹp nhất là mưa, gió thông thường, không thể bao gồm cả “bão”. Do chỉ loại trừ thiệt hại do “mưa, gió” mà không bao gồm “bão” nên Công ty bảo hiểm phải thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho thiệt hại mà khách hàng phải chịu do cơn bão gây ra.
Một bản án rất thú vị, phán quyết của tòa án cho thấy mức độ rất quan trọng của câu từ, nhất là trong các loại hợp đồng mà nguyên tắc giải thích sẽ nghiêng hẳn về một bên như hợp đồng bảo hiểm, chỉ với sơ suất về ngôn từ mà công ty bảo hiểm phải bồi thường hàng tỷ đồng. Bản án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm này là một ví dụ điển hình cho các tranh chấp về bảo hiểm đã và đang diễn ra trên thực tế.
Nếu bạn đang cần một luật sư để giải quyết tranh chấp hợp đồng về bảo hiểm, hãy liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây!
Luật sư Hoàng Văn Thạch