logo
  • Ảnh slide 1

Chi tiết: Bình luận về dự thảo án lệ liên quan đến “điều cấm của luật”.

2024-06-26


Trong danh sách dự thảo Án lệ do TAND tối cao công bố xuất hiện một bản án của HĐTP TANDTC tuyên vô hiệu một giao dịch chia thừa kế vì diện tích đất sau khi được phân chia nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND Tỉnh Vĩnh Long. Quyết định này được đề xuất phát triển thành án lệ với lý do để thống nhất cách hiểu về "điều cấm của pháp luật" Tuy nhiên, tôi, với vai trò là một luật sư, không đồng ý với lập luận  của Hội đồng thẩm phán trong Bản án cũng như nội dung đề xuất của TAND tối cao phát triển Bản án thành Án lệ.


Thứ nhất: Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có sai lầm trong áp dụng pháp luật, hiểu sai về “điều cấm của luật”.

Nhận định của Hội đồng Thẩm phán TAND tốicao rằng giao dịch này bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật là không chính xác. Đúng ra, giao dịch này nên bị tuyên vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được, theo Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 408. Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

  1. Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.
  2. Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
  3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Cụ thể, các bên đã chia diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa nên không thể thực hiện được trên thực tế, khiến giao dịch bị vô hiệu.

Việc Hội đồng Thẩm phán TANDtối cao xác định giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật dẫn đến cách hiểu rằng “điều cấm của luật” bao gồm các điều cấm của văn bản dưới luật.

Thứ hai: TAND tối cao đề xuất phát triển thành Án lệ, nếu được chấp nhận sẽ khiến việc áp dụng pháp luật trái với BLDS 2015.

TAND tối cao không đưa ra bình luận đối với nội dung bản án có phù hợp hay không mà đề xuất phát triển thành án lệ, nhưng lập luận còn rối rắm.

Bộ luật Dân sự 2005 sử dụng thuật ngữ “điều cấm của pháp luật”, trong khi Bộ luật Dân sự 2015sửa đổi thành “điều cấm của luật”. Sự khác biệt này rõ ràng có ý đồ của nhà làm luật. Khi dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành, Bộ Tư pháp– cơ quan chủ trì việc xây dựng dự thảo BLDS 2015đã giải thích rằng mục đích sửa đổi là để “tránh lạm dụng bằng văn bản dưới luật để can thiệp vào ý chí của các bên trong quan hệ dân sự”.

Do vậy, cách hiểu “điều cấm của luật” là điều cấm được quy định trong các văn bản luật do Quốc hội ban hành đã khá rõ ràng. Nếu bản án này được phát triển thành án lệ sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc sửa đổi trong Bộ luật Dân sự 2015 so với Bộ luật Dân sự 2005.

Kết luận

Việc phát triển bản án này thành án lệ sẽ dẫn đến hiểu sai và áp dụng sai quy định pháp luật. Cần cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét lại cơ sở pháp lý để đảm bảo sự công bằng và đúng đắn trong việc áp dụng luật.

Luật sư Hoàng Văn Thạch




Dịch vụ nổi bật