logo
  • Ảnh slide 1

Chi tiết: Các tình huống mà doanh nghiệp kiểm toán được khuyến cáo có thể rút khỏi cuộc kiểm toán

2020-09-12


Kiểm toán độc lập là hoạt động mang tính chất kinh doanh, vì vậy mối quan hệ giữa doanh nghiệp kiểm toán  với đơn vị được kiểm toán là mối quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng. Tuy nhiên kiểm toán là việc chấp nhận trách nhiệm vì lợi ích của công chúng, một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động kiểm toán độc lập là tính khách quan. 


Do vậy, hệ thống các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đưa ra những khuyến cáo đối với kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán trong việc rút lui khỏi một cuộc kiểm toán, rút khỏi hợp đồng kiểm toán nếu xét thấy có những yếu tố từ phía khách hàng có thể khiến ý kiến của kiểm toán viên đưa ra không chính xác.


Cụ thể:

1. Trong trường hợp không thể đạt được sự đảm bảo hợp lý và ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ là chưa đủ để cung cấp thông tin cho người sử dụng báo cáo tài chính thì kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán có thể xem xét rút khỏi cuộc kiểm toán – Chuẩn mực số 200 và Chuẩn mực 705

2. Trong trường hợp đơn vị được kiểm toán đưa ra đề nghị thay đổi nội dung hợp đồng kiểm toán nhưng doanh nghiệp kiểm toán từ chối chấp nhận đề nghị đó và 02 bên không đi đến được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể rút lui khỏi cuộc kiểm toán đồng thời phải xác định trách nhiệm báo cáo việc này cho các bên có liên quan và cơ quan quản lý Nhà nước – Chuẩn mực 210.

3. Trong trường hợp Ban giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán sau khi thu thập và đánh giá các thông tin, nếu thấy có những vi phạm đe dọa đến tính độc lập của cuộc kiểm toán, mặc dù đã áp dụng các biện pháp thích hợp nhưng không thể loại bỏ hết các đe dọa đó hoặc giảm thiểu đến mức có thể chấp nhận được thì có thể cân nhắc để doanh nghiệp kiểm toán rút khỏi cuộc kiểm toán. – Chuẩn mực 220.

4. Khi thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính mà kiểm toán viên xét thấy có những sai sót trọng yếu do gian lận, khi đơn vị được kiểm toán không có những biện pháp để xử lý gian lận mà kiểm toán viên cho là cần thiết, khi kiểm toán viên lo ngại về tính chính trực của ban giám đốc hoặc ban quản trị đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán cân nhắc khả năng rút khỏi cuộc kiểm toán – Chuẩn mực 240;

5. Trong trường hợp kiểm toán viên phát hiện đợn vị được kiểm toán có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; kiểm toán viên đã trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các vi phạm này nhưng Ban giám đốc, Ban quản trị đơn vị kiểm toán không đưa ra được những biện pháp xử lý mà kiểm toán viên cho là cần thiết thì ngay cả khi vi phạm đó không ảnh hưởng trọng yếu đến Báo cáo tài chính, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng cân nhắc đến khả năng rút khỏi cuộc kiểm toán - Chuẩn mực 250. 

6. Khi trao đổi hai chiều giữa kiểm toán viên và Ban giám đốc, Ban quản trị đơn vị được kiểm toán không được đầy đủ và tình hình không được cải thiện theo thời gian, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng cân nhắc rút khỏi cuộc kiểm toán – Chuẩn mực số 260.

7. Trong trường hợp do yếu tố chuyên môn, tính chính trực, tính cẩn trọng dẫn đến Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể có những giải trình sai trong Báo cáo tài chính, tuy nhiên Ban giám đốc lại không có những nổ lực để khắc phục các yếu tố này thì kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng xem xét việc rút khỏi cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính – Chuẩn mực 580;

8. Trong kiểm toán Báo cáo tài chính tập đoàn, nếu Ban giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán kết luận rằng nhóm kiểm toán tập đoàn không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp do những hạn chế từ phía Ban Giám đốc tập đoàn và việc này có thể dẫn đến việc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính tập đoàn thì doanh nghiệp kiểm toán cũng cân nhắc rút khỏi cuộc kiểm toán – Chuẩn mực số 600.

9. Khi xem xét các thông tin bên ngoài báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán (nhưng được trình bày trong các tài liệu có báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán) kiểm toán viên sẽ đưa các đánh giá xem liệu có những điểm không nhất quán trọng yếu hay không và nếu có thì có cần phải sửa Báo cáo tài chính hoặc sửa các thông tin đó không? Nếu việc sửa đổi là cần thiết nhưng Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán lại không đồng ý sửa đổi, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng có thể cân nhắc để việc rút khỏi hợp đồng kiểm toán – Chuẩn mực số 720.

Lưu ý, đây không phải là những quy định cho phép hay bắt buộc kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán được/phải rút khỏi cuộc kiểm toán, rút khỏi hợp đồng kiểm toán mà chỉ là những khuyến cáo để doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên cân nhắc, xem xét đến khả năng đó. Khi xem xét và cân nhắc rút khỏi cuộc kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên cần phải tính toán đến các yếu tố về ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên thông qua hợp đồng kiểm toán và cả các quy định pháp luật liên quan khác, việc này nếu không được tính toán kỹ có thể dẫn đến việc doanh nghiệp kiểm toán vi phạm hợp đồng dịch vụ với đơn vị được kiểm toán; một cách thận trọng, hợp đồng dịch vụ nên có những thỏa thuận rõ ràng hơn về những tình huống này.

Ngoài các khuyến cáo trong các chuẩn mực chuyên môn nêu trên thì Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán ban hành kèm thông tư 70/2015/TT-BTC cũng lưu ý một số trường hợp mà kiểm toán viên có thể rút khỏi cuộc kiểm toán, tuy nhiên đây là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp kiểm toán, việc rút lui đó có thể thay thế bằng một kiểm toán viên khác đáp ứng các điều kiện để thực hiện cuộc kiểm toán với cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ. 

Nguyễn Thị Minh Thi

 Nếu bạn đang cần một luật sư để tư vấn, giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hãy liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây!

 
 Liên hệ: Công ty luật Hà Dương – ĐT: 024.629.116099, Mobile: 0982570397 - Email: haduonglaw@gmail.com - Địa chỉ: Phòng 16 a tầng 16, tháp a, tòa nhà Bigtower, số 18 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội (MST:  0107908348 - STK: 26810000196593 mở tại BIDV chi nhánh Thái Hà)



Dịch vụ nổi bật