Chi tiết: Làm rõ khái niệm "Đơn vị có lợi ích công chúng" theo Khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập 2011
2025-05-03
Có những điều luật rõ ràng như ánh nắng hè, nhưng cũng có những điều luật lại mờ ảo như sương sớm miền núi cao. Khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 thuộc về trường hợp thứ hai. Ba khoản đầu của Điều 53 thực sự rõ ràng, dễ hiểu và dễ xác định. Thế nhưng, khoản 4 lại đầy sự mơ hồ: "Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật."
"Bắt mưa bằng rổ tre": Sự khó khăn trong xác định căn cứ pháp lý
Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định: “Điều 53. Đơn vị có lợi ích công chúng
- Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
- Tổ chức1 tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.”
Nếu như ba khoản đầu dễ dàng xác định, thì đến khoản 4, việc nắm bắt được ý nghĩa của nó lại giống như cố gắng bắt những hạt mưa bằng chiếc rổ tre. Câu chữ "Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật" dường như chất chồng nhiều tầng ý nghĩa, gây khó khăn cho việc giải thích và áp dụng.
Gần 15 năm đã trôi qua kể từ khi Luật Kiểm toán độc lập ra đời, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa thể làm sáng tỏ được nội dung của khoản 4 Điều 53 này. Nghị định 84/2016/NĐ-CP (sau này được sửa đổi bởi Nghị định 134/2020/NĐ-CP) quy định về việc chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng lại dẫn chiếu ngược lại khoản 4 Điều 53 của Luật Kiểm toán độc lập.
Vùng xám của "lợi ích công chúng" và "quy mô": Thách thức cho kiểm toán viên
Làm thế nào để đo lường được "lợi ích công chúng" và xác định ranh giới cho "quy mô" đến mức nào là đủ lớn? Những khó khăn này khiến các kiểm toán viên luôn phải băn khoănkhi đối diện với các khách hàng là Công ty TNHH có quy mô lớn, đặt ra câu hỏi liệu công ty này có phải là đơn vị có lợi ích công chúng hay không. Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một đơn vị có lợi ích công chúng do quy mô và tầm ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân. Nhưng còn EVN Hà Nội thì sao? Hay bao nhiêu công ty con khác của EVN? Chúng dường như lơ lửng trong vùng xám của định nghĩa.
Hậu quả của sự thiếu thống nhất trong cách hiểu
Hậu quả là các công ty kiểm toán độc lập phải tự mình vẽ ra ranh giới, tự quyết định xem doanh nghiệp nào thuộc diện khoản 4 và doanh nghiệp nào không. Mỗi công ty có một cách hiểu, mỗi kiểm toán viên có một cách áp dụng riêng. Sự không đồng nhất này dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp có thể bị xem là đơn vị có lợi ích công chúng khi làm việc với công ty kiểm toán này, nhưng lại không phải khi làm việc với một công ty kiểm toán khác.
Nỗ lực làm rõ từ cơ quan nhà nước: Đề xuất sửa đổi và sự thay đổi
Không chỉ các doanh nghiệp và công ty kiểm toán cảm thấy lúng túng. Ngay cả Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập – cũng đã thừa nhận sự mơ hồ này. Trong Tờ trình số 202/BC-BTC về việc sửa đổi một số luật do Bộ Tài chính phụ trách và Báo cáo tổng kết thi hành Luật Kiểm toán độc lập số 203/BC-BTC ngày 20/08/2024, Bộ Tài chính đã gián tiếp thừa nhận rằng quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập chưa rõ ràng này và đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 53 thành "Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn theo quy định của Chính phủ"- đơn giản, ngắn gọn và rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, có lẽ đề xuất này đã không được Chính phủ [hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội– người viết không chắn chắn] chấp thuận đưa vào dự thảo trình Quốc hội. Bởi sau tờ trình của Bộ Tài chính, quy định này đã biến mất khỏi các phiên bản sau đó. Lý do có thể là do sự ưu tiên dành cho những nội dung cấp thiết hơn phục vụ mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế theo Nghị quyết 93/NQ-CP năm 2024, những vấn đề chưa thực sự cấp bách đành phải tạm gác lại để tránh quá tải thảo luận và ảnh hưởng đến tiến độ thông qua luật.
"Doanh nghiệp có quy mô lớn": Lời giải từ Nghị định 90/2025/NĐ-CP
Mặc dù việc sửa đổi khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập không còn trong dự thảo trình Quốc hội, nhưng quy định về “doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn” vẫn được giữ lại, bổ sung vào nhóm đối tượng kiểm toán bắt buộc quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập và giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Theo Điều 1 Nghị định 90/2025/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 17/2012/NĐ-CP), ba tiêu chí đã được đưa ra để xác định thế nào là “doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn”:
- Tiêu chí thứ nhất:Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm trên 200 người.
- Tiêu chí thứ hai:Có tổng doanh thu của năm trên 300 tỷ đồng.
- Tiêu chí thứ ba:Có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là một doanh nghiệp không cần phải đáp ứng cả ba tiêu chí này. Chỉ cần thỏa mãn ít nhất hai trong ba tiêu chí, doanh nghiệp đó đã được xem là có quy mô lớn.
Những con số này, dù khô khan, và cũng chưa hẳn phản ánh doanh nghiệp có có thực sự ảnh hưởng đến lợi ích công chúng không, nhưng lại mang đến sự rõ ràng mà khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập chưa từng có, biến một quy định mang tính định tính, mơ hồ thành những tiêu chí cụ thể, đo lường được. Và từ đó, việc xác định một doanh nghiệp có phải là đơn vị có lợi ích công chúng hay không trở nên đơn giản hơn nhiều.
Dù đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 53 Luât kiểm toán độc lập của Bộ Tài chính không được chấp nhận, nhưng nó vẫn cho thấy quan điểm chính thức hiện nay của Bộ: "Doanh nghiệp có quy mô lớn" và "Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích công chúng do tính chất, quy mô hoạt động" – về bản chất – được xem là đồng nhất.
Kết luận: Hướng đi rõ ràng trong "khu rừng pháp lý"
Mặc dù Khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 vẫn giữ cách diễn đạt mơ hồ, nhưng qua các động thái của Bộ Tài chính, chúng ta có thể hiểu rõ ràng: đối tượng tại khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập chính là "Doanh nghiệp có quy mô lớn" theo bộ tiêu chí định lượng cụ thể.
Cách tiếp cận này không chỉ giúp chuẩn hóa cách hiểu mà còn đơn giản hóa việc xác định đơn vị có lợi ích công chúng, giúp cả doanh nghiệp và công ty kiểm toán đi đúng hướng trong một "khu rừng pháp lý" đôi khi còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Các công ty kiểm toán có thể tham khảo và áp dụng thống nhất quan điểm của Bộ Tài chính để xác định khách hàng thuộc diện “Đơn vị có lợi ích công chúng” tại khoản 4 Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập. Điều này giúp tránh tình trạng mỗi công ty kiểm toán có một cách hiểu khác nhau.
Luật sư Hoàng Văn Thạch
.jpg)