logo
  • Ảnh slide 1

Chi tiết: Điều khoản giữ vô hại trong hợp đồng

2021-11-30


Trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nhất là các hợp đồng dịch từ tiếng Anh chúng ta hay gặp quy định về “giữ vô hại” – tên tiếng Anh là "hold harmless", nó có thể là điều khoản độc lập hoặc có thể nằm trong điều khoản bồi thường thiệt hại (indemnification) hoặc ký thành một thỏa thuận riêng. Thuật ngữ hold harmless hay được dịch là "giữ vô hại", nghe không được quen tai lắm và đôi khi nằm trong một điều khoản với ngôn ngữ dịch lủng củng rất dễ gây khó hiểu, một phần khác là “văn hóa” hợp đồng của Việt Nam không có từ này. 


Vậy điều khoản “giữ vô hại” là gì?

Điều khoản giữ vô hại có nghĩa là một bên trong hợp đồng tuyên bố bảo đảm cho bên khác trong hợp đồng sẽ không phải chịu trách nhiệm về một hành vi hoặc hậu quả nào đó - tức là giữ cho bên đó vô hại. Nó cũng có tên gọi khác là điều khoản miễn trách nhiệm (waiver of liability) – nghe có vẻ quen tai hơn với người Việt.

Khi nào người ta cần đến điều khoản “giữ vô hại”?.

Thông thường là các bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa mang tính rủi ro cao sẽ yêu cầu điều khoản này. Họ khuyến cáo và yêu cầu các bên sử dụng dịch vụ/mua hàng phải chấp nhận rủi ro và tự chịu trách nhiệm về rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ: Bên cung cấp dịch vụ trò chơi mạo hiểm, cho thuê các loại hàng hóa dễ gây sát thương yêu cầu bên sử dụng dịch vụ phải tự chịu trách nhiệm đối với rủi ro có thể xảy ra và không khiếu nại Bên cung cấp; hoặc nhà thầu chính yêu cầu nhà thầu phụ phải giữ vô hại cho họ đối với mọi thiêt hại về con người của nhà thầu phụ xảy ra trên công trường…vv.

Tuy nhiên, kể cả khi không phải là các dịch vụ, hàng hóa rủi ro cao thì một bên có ưu thế trong đàm phán cũng sẽ đưa ra điều khoản này áp đặt bên yếu thế hơn phải chấp thuận. Ví dụ: một nhà thầu tư vấn yêu cầu bên tiếp nhận tư vấn bảo vệ và giữ cho họ vô hại trước tất cả khiếu kiện hoặc thiệt hại của bên thứ ba thụ hưởng dịch vụ.

Hoặc đôi khi một bên cũng yêu cầu bên còn lại miễn trừ cho họ thiệt hại phát sinh từ các lỗi sơ xuất hoặc các hành vi thiếu trách nhiệm (negligence), họ chỉ phải bồi thường thiệt hại xuất phát từ các hành vi cố ý hoặc các hành vi thiếu trách nhiệm nghiêm trọng (gross negligence) mà thôi.

Giá trị pháp lý của điều khoản giữ vô hại.

Việc thỏa thuận của các bên là một chuyện, nhưng không phải lúc nào nó cũng có giá trị pháp lý và được các cơ quan tố tụng chấp nhận khi có khởi kiện. Ví dụ: một Công ty không thể yêu cầu Người lao động giữ vô hại, miễn cho họ mọi trách nhiệm và thiệt hại về sức khỏe xảy đối với Người lao động làm việc cho họ ngay cả khi họ vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Một thỏa thuận như vậy vi phạm quy định của Bộ luật lao động và Luật an toàn vệ sinh lao động và nó sẽ bị tuyên vô hiệu khi có tranh chấp. 

 

Luật sư Hoàng Văn Thạch




Dịch vụ nổi bật