Chi tiết: Kế Toán Trưởng Trong Doanh Nghiệp - Họ Là Ai?
2017-06-08
Kế toán trưởng là chức danh có trong đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bài viết này giới nhiều những thông tin cơ bản để người đọc có cái nhìn bao quát về chức danh này.
Kế toán trưởng là ai?
Kế toán trưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật kế toán là “Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán”.
Điều kiện đối với kế toán trưởng là gì?
Theo quy định tại Điều 54, khoản 1 điều 51 Luật kế toán và điều 20 nghị định 174/2016/NĐ-CP thì kế toán trưởng phải có các điều kiện sau đây:
- Về phẩm chất: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; (doanh nghiệp tự đánh giá)
- Về trình độ chuyên môn: Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên với các doanh nghiệp không có vốn nhà nước và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng; trình độ chuyên môn đại học trở lên đối với các doanh nghiệp còn lại
- Về bằng cấp phụ: Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng
- Về thâm niên: Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
Đặc biệt đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.
- ĐIều kiện loại trừ: Không thuộc trường hợp không được làm kế toán (đương nhiên)
Kế toán trưởng thực hiện các công việc gì?
Theo quy định của Luật kế toán thì kế toán trưởng độc lập về chuyên môn và nghiệp vụ kế toán. Ngoài công việc kế toán bình thường như các kế toán viên họ còn tổ chức điều hành bộ máy kế toán; lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Một số tài liệu như chứng từ chi tiền, báo cáo tài chính, sổ kế toán bắt buộc phải có chữ ký của kế toán trưởng.
Những đơn vị nào phải có kế toán trưởng?
Theo quy định tại khoản 1, 2 điều 20 nghị định 174/2016/NĐ-CP và quy định khoản 4 điều 3 Luật kế toán 2015 thì gần như tất cả các loại hình doanh nghiệp đều phải bố trí kế toán trưởng trừ các doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh nghiệp quy mô dưới 11 người lao động) theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp chưa bổ nhiệm được kế toán trưởng thì xử lý như thế nào?
Cũng theo quy định tại điều 20 nghị định 174/2016/NĐ-CP thì trường hợp chưa thể bố trí kế toán trưởng doanh nghiệp thì có hai lựa chọn: hoặc bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán trưởng bên ngoài. Nếu bố trí người phụ trách kế toán thì thời gian cũng không được quá 12 tháng.
Người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng thì khác gì với kế toán trưởng?
Theo khoản 4 điều 53 Luật kế toán thì người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng cũng phải có đầy đủ các điều kiện như kế toán trưởng; thực hiện các quyền và nghĩa vụ như kế toán trưởng. Chỉ khác mỗi cái tên chức danh. Kiểu như trong phòng đang khuyết trưởng phòng nhưng Giám đốc cần cân nhắc bổ nhiệm ai thay thế, trong thời gian đó một ông phó được giao làm quyền trưởng phòng.
Do vậy, nếu doanh nghiệp đã có người đủ điều kiện làm kế toán trưởng nhưng chưa muốn bổ nhiệm họ làm kế toán trưởng để chờ thời gian thử thách hoặc chọn người khác thì có thể bổ nhiệm họ làm người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng. Nếu doanh nghiệp không có ai đủ điều kiện để bổ nhiệm làm kế toán trưởng thì thuê kế toán trưởng bên ngoài từ các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Nếu bạn đang cần một luật sư để tư vấn, giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hãy liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây!
Công ty luật Hà Dương – ĐT: 024.629.116099, Mobile: 0982570397 – Email: haduonglaw@gmail.com – Địa chỉ: Phòng 16 a tầng 16, tháp a, tòa nhà Bigtower, số 18 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội (MST: 0107908348 – STK: 26810000196593 mở tại BIDV chi nhánh Thái Hà)