Chi tiết: Những lưu ý khi sử dụng kết quả kiểm toán độc lập báo cáo tài chính
2020-05-30
Công ty luật Hà Dương giới thiệu một số lưu ý đối với người sử dụng kết quả kiểm toán độc lập báo cáo tài chính để hiểu đúng giá trị của báo cáo kiểm toán,hiểu đúng quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.
Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị thực tế, không có giá trị pháp lý.
Kiểm toán báo cáo tài chính(BCTC) là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của BCTCcủa đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
Kết quả của cuộc kiểm toán BCTC là Báo cáo kiểm toán (BCKT), tuy nhiên BCKT không có giá trị pháp lý. Năm 2010 khi xây dựng Luật kiểm toán độc lập (luật KTĐL) , Bộ công thương, Bộ quốc phòng, Bộ LĐTB & XH cũng đã đề xuất luật cần quy định về giá trị pháp lý của BCKT. Bộ tài chính với tư cách là cơ quan soạn thảo luật đã giải thích rằng: Người đại diện theo pháp luật của đợn vị được kiểm toán phải chịu trách nhiệm pháp lý về Báo cáo tài chính. Báo cáo kiểm toán độc lập không thể thay thế cho các kết luận kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Báo cáo kiểm toán có giá trị thực tế rất cao, quy định như dự thảo Luật là phù hợp với thông lệ quốc tế và chuẩn mực kiểm toán được các nước thừa nhận.
Như vậy có thể hiểu BCKT không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị thực tế. Các giá trị thực tế này hiện nay được quy định tại điều 7 Luật KTĐL 2011.
Trách nhiệm đối với Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thuộc về những người ký báo cáo tài chính và ban giám đốc, ban quản trị.
Luật kế toán 2015 quy định “Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo”– người ký BCTC gồm: người lập BCTC, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm toán.
Các chuẩn mực kiểm toán còn mở rộng phạm vi trách nhiệm đối với đối việc lập và trình bày BCTTC sang cả Ban quản trị (tức bộ phận có chức năng giám sát, điều hành hoạt động kinh doanh) của đơn vị được kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán 200 khẳng định một BCTC đã được kiểm toán không làm nhẹ đi trách nhiệm của ban giám đốc và ban quản trị đơn vị được kiểm toán.
Ngay trong các BCKT cũng luôn có một phần nhấn mạnh trách nhiệm của Ban giám đốc với với việc lập và trình bày BCTC.
Do vậy, nếu bất kỳ nội dung nào trong BCTC phản ánh không trung thực về tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán nhưng kiểm toán viên không đưa ra ý kiến loại trừ hoặc phản đối đối với nội dung đó thì trách nhiệm đối với nội dung không trung thực đó vẫn thuộc vệ Ban giám đốc và Ban quản trị (trong phạm vi phù hợp) của đơn vị được kiểm toán. Không thể viện lý do kiểm toán viên không đưa ra ý kiến loại trừ hoặc phản đối để làm giảm nhẹ đi trách nhiệm của mình đối với BCTC.
Kiểm toán viên chỉ chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm các chuẩn mực kiểm toán.
Khi thực hiện một cuộc kiểm toán, kiểm toán viên sẽ dựa trên các bằng chứng thu thập được để đưa ra các xét đoán của mình về sự trung thực và hợp lý BCTC, đưa ra ra đánh giá về việc liệu BCTC có được lập trên cơ sở chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành, có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không?
Ý kiến này của kiểm toán viên chỉ có giá trị thực tế làm tăng độ tin cậy của người sử dụng BCTC, chứ không làm giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý của Người đại diện theo pháp luật đơn vị được kiểm toán với BCTC. Người sử dụng BCTC không nên coi ý kiến của kiểm toán viên là một sự bảo đảm chắc chắn rằng BCTC đã phản ánh trung thực tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán.
Do vậy kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán chỉ bị quy trách nhiệm (dân sự, hành chính và cả hình sự) khi có bằng chứng chứng minh trong quá trình thực hiện kiểm toán họ đã không tuân thủ pháp luật, không tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán hoặc không tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ dẫn đến kết quả kiểm toán sai.
Nếu kiểm toán viên đã thực hiện đúng các chuẩn mực kiểm toán thì Báo cáo kiểm toán vẫn có thể cho kết quả sai.
Ngay cả khi kiểm toán viên tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán thì vẫn có những rủi ro khiến BCKT cho kết quả sai. Nó có nhiều nguyên nhân như: (1) Ban giám đốc có những gian lận khó phát hiện; (2) phương pháp kiểm toán là phương pháp chọn mẫu, có thể các mẫu được chọn sẽ không phải là mẫu đại diện phản ánh đúng tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán; (3) một cuộc kiểm toán sẽ bị giới hạn về thời gian và kiểm toán viên không có đủ thời gian để tiến hành điều tra, thu thập hết các bằng chứng để đưa ra ý kiến chính xác nhất…vv
Ý kiến của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không phải chỉ thể hiện trong Báo cáo kiểm toán.
Kết thúc một cuộc kiểm toán, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán sẽ phát hành BCKT.
Tuy nhiên đó không phải là hình thức duy nhất phản hành kết quả của cuộc kiểm toán. Bên cạnh BCKT có thể kèm theo Thư quản lý. Thư quản lý không được công khai mà được gửi riêng cho Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán. Thư quản lý sẽ nêu lên những tồn tại ở đơn vị được kiểm toán và đưa ra các khuyến nghị giúp đơn vị cải thiện tình hình.
Điều kiện đủ đề người sử dụng BCKT quy trách nhiệm đối với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán.
Đối với đơn vị được kiểm toán thì trách nhiệm của KTV và DNKT được thể hiện trên hợp đồng dịch vụ kiểm toán.
Đối với những người sử dụng kết quả kiểm toán khác như: cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng …để quy trách nhiệm cho KTV và DNKT ngoài điều kiện cần là chứng minh được kiểm toán viên đã không tuân thủ pháp luật hoặc các chuẩn mực kiểm toán như đã nêu ở trên; thì theo khoản 12 điều 29 Luật KTĐL 2011 người sử dụng BCKT phái đáp ứng các điều kiện sau đây thì mới có thể quy trách nhiệm cho kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán:
a) Có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán;
b) Có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và cơ sở lập báo cáo tài chính là các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Không thể dựa vào một sự kiện để kết luận BCKT sai.
Một tình huống rất hay xảy ra là một chủ thể sử dụng kết quả kiểm toán sẽ dựa vào một sự kiện để kết luận BCKT sai. Ví dụ: doanh nghiệp đang có nợ quá hạn nhưng chưa trả. Tuy nhiên BCKT không đưa ra bất cứ ý kiến nào đối với nội dung này. Chủ nợ lập tức khiếu nại rằng BCKT không đưa ra ý kiến đối với nội dung này là không đúng.
Tuy nhiện sự kiện nợ quá hạn chưa trả chỉ là một trong nhiều sự kiện được kiểm toán viên xem xét để đưa ra ý kiến đối với khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp và sự kiện này có thể được làm giảm nhẹ bởi số liệu về giá trị tài sản lưu động của doanh nghiệp…vv. Ý kiến của kiểm toán viên được đưa ra sau khi xem xét, kết hợp nhiều sự kiện và yếu tố khác nhau, các sự kiện bất lợi có thể được cân bằng hay làm giảm nhẹ bởi một sự kiện, yếu tố khác. Do vậy không nên dựa vào một sự kiện để kết luận BCKT sai.
Kiểm toán là một lĩnh vực chuyên môn sâu. Luật KTĐL 2011 và các chuẩn mực kiểm toán lưu ý những người sử dụng kết quả kiểm toán cần phải có những hiểu biết nhất định về BCTC, về các chuẩn mực kiểm toán và kế toán khi sử dụng kết quả kiểm toán.
Luật sư Hoàng Văn Thạch