logo
  • Ảnh slide 1

Chi tiết: Thẩm quyền thụ lý và giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp

2022-01-25


Hỏi: Công ty tôi có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Vừa qua, chúng tôi có phát sinh một số nghĩa vụ nợ đến hạn nhưng chưa thanh toán được (đã có biên bản khất nợ). Chúng tôi được biết đối tác đã khởi kiện yêu cầu phá sản đối với công ty chúng tôi tại TAND huyện P và đã được tòa thụ lý. Xin hỏi TAND huyện P thụ lý vụ yêu cầu phá sản của đối tác đối với Công ty chúng tôi có đúng không? 


Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 điều 5 Luật phá sản 2014 thì “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Nếu 02 bên đã có biên bản khất nợ, tức là nghĩa vụ nợ đã rõ ràng, cụ thể và đã quá thời hạn 03 tháng như cam kết mà Công ty ông vẫn chưa thể trả nợ mặc dù không hề có tranh chấp.

Như vậy, chủ nợ đã có chứng cứ chứng minh công ty ông trong tình trạng mất khả năng thanh toán. Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của họ trình bày hợp lệ và nộp đúng tòa án có thẩm quyền thì việc tòa án thụ lý yêu cầu cũng là có căn cứ.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 8 Luật phá sản 2014 và Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản trong các trường hợp:

1) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

2) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

3) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

4) Vụ việc có tính chất phức tạp, bao gồm: (i) Có từ trên 300 (ba trăm) lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ trên 100.000.000.000 (một trăm tỷ đồng) trở lên; (ii) Là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; (iii) Là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (iv) Có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài; (v) Có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật phá sản.

Trong tình huống trên, chưa xét đến các yếu tố khác, việc công ty của ông có vốn điều lệ 150 tỷ đồng (tức lớn hơn 100 tỷ) thì thẩm quyền giải quyết việc phá sản chắc chắn phải thuộc TAND cấp tỉnh. Do vậy, TAND huyện P thụ lý là trái với quy định.

Trân trọng!

Luật sư Hoàng Văn Thạch

 




Dịch vụ nổi bật